Trao tặng bảng vàng lưu danh huyền thoại anh bộ đội cụ hồ - Hội CCB văn phòng Quốc Hội

Trao tặng bảng vàng lưu danh huyền thoại anh bộ đội cụ hồ - văn phòng Quốc Hội















Trải qua hơn nửa thế kỷ, với các tên gọi “Ngày Thương binh toàn quốc”, “Ngày Thương binh, Liệt sĩ” và được tổ chức trong những hoàn cảnh khác nhau (chiến tranh, hòa bình ở nửa đất nước, đất nước thống nhất, cả nước tiến hành công cuộc đổi mới), nhưng đúng như mục tiêu đề ra ban đầu, mỗi năm đến “Ngày Thương binh, Liệt sĩ” ngày 27 tháng 7, trên đất nước ta lại dấy lên nhiều việc làm thiết thực, đầy tình nghĩa chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng, thể hiện truyền thống “hiếu nghĩa bác ái”, lòng quý trọng và biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người đã vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì tự do và cuộc sống yên bình của nhân dân mà hy sinh, cống hiến.
Chiến tranh đã đi qua nhưng những vết thương mà chiến tranh để lại cho mỗi người, mỗi gia đình, bạn bè và người thân các thương binh, liệt sỹ vẫn còn đây. Những hy sinh mất mát của các anh hùng liệt sỹ đã vĩnh viễn nằm lại ngoài chiến trường; những thương tật hành hạ người thương binh vì một phần cơ thể các anh đã để lại ngoài trận địa; những nỗi đau về thể xác mỗi khi trái gió trở trời và về tinh thần khi tuổi xuân đã hiến dâng trọn vẹn cho dân tộc, nay trở về đã “quá lứa lỡ thì”, đành ở một mình của người thanh niên xung phong; và nỗi đau mất mát tột cùng cũng như sự cô đơn vò võ, cần nơi nương tựa của các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Vẫn còn đây nỗi đau như tột cùng của những người vợ mất chồng, những người cha, người mẹ mất con và cả những đứa trẻ không bao giờ được gọi bố. Tất cả là minh chứng hùng hồn tố cáo tội ác khôn cùng của chiến tranh. Biết đến bao giờ những vết thương tinh thần và thể xác ấy mới có thể hàn gắn được. Dẫu biết vậy, những con người bình dị mà anh hùng ấy vẫn không một chút nuối tiếc, ân hận bởi họ đã cống hiến đời mình cho lý tưởng cao đẹp của cách mạng nước nhà, cho nền độc lập, tự do của dân tộc, cho bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Họ đã sống cuộc đời có ý nghĩa vì nước, vì dân. Những cống hiến to lớn ấy, một ngày  27 tháng 7 làm sao tri ân cho đủ? Việc làm hàng ngày, thường xuyên của cả xã hội và cộng đồng chính là thể hiện sự biết ơn đó đối với những người có công với cách mạng, với nước, với dân, với hy vọng bù đắp một phần những mất mát, hy sinh của các thương binh, gia đình liệt sỹ, làm dịu bớt phần nào những buồn đau trên cơ thể và trong trái tim những người con anh hùng của dân tộc.
Nhân dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27-7-1947 /27-7-2015). Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, Hội cựu chiến binh Văn phòng Quốc hội, phối hợp với Công ty CP Phát triển Truyền thông Văn hóa Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức chương trình Giao lưu – Nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Huyền thoại Anh bộ đội Cụ Hồ” . Chương trình dự kiến được truyền hình trực tiếp vào lúc 20h00 ngày 27/7/2015 từ Nhà hát Lớn Hà Nội
Chương trình  thể hiện sự tri ân, tiếp nối đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, Chương trình “Huyền thoại Anh bộ đôi Cụ Hồ “ được tổ chức nhằm kêu gọi các cấp, các ngành, cùng các tổ chức chính trị – xã hội, các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà thiện tâm trong cả nước tiếp tục dành sự quan tâm thiết thực, cảm thông, chia sẻ. và tôn vinh những anh hùng, bà mẹ Việt Nam anh hùng đã đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc và nâng cao ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ. Xin được cúi đầu trước linh hồn những người đã hy sinh, quên mình vì Tổ quốc và xin được gửi lời tri ân tới những gia đình thương binh, liệt sỹ.
Thông qua việc đề ra và thực hiện đầy đủ chính sách xã hội đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng tiếp tục đóng góp công sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực sự đã trở thành động lực vật chất, tinh thần giúp họ vươn lên, vượt qua khó khăn thử thách, làm chủ cuộc sống. Đảng, Nhà nước ta luôn chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và lòng biết ơn sâu sắc của các tầng lớp nhân dân, của các thế hệ đối với liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng. Sự cống hiến, hy sinh của họ cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân là vô giá, không chỉ cho ngày hôm qua, hôm nay mà cho muôn đời con, cháu mai sau. Việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công là nghĩa vụ, trách nhiệm và niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau.
Làm tốt công tác đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng thể hiện tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta, củng cố niềm tin của nhân dân ta vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm cơ sở cho giữ vững ổn định chính trị – xã hội, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa.
Qua nội dung giao lưu, phim tư liệu lịch sử, các tác phẩm âm nhạc xuất sắc chương trình “Huyền thoại Anh bộ đội Cụ Hồ” sẽ tiếp thêm ngọn lửa nhiệt huyết, niềm tự hào dân tộc, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng của Đảng, nâng cao lòng tự hào tự tôn dân tộc cho thế hệ trẻ, động viên cán bộ, chiến sĩ không ngừng nâng cao cảnh giác, ra sức rèn luyện bản lĩnh chính trị và trình độ quân sự, không ngại gian khổ, vượt qua khó khăn, trong mọi hoàn cảnh để hoàn thành mọi nhiệm vụ thử thách, ra sức xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới của cách mạng; góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét